Vì lượng khách không còn nhiều nên hàng ở các cửa hàng điện thoại cũ bây giờ trông "bèo nhèo" chứ không xôm tụ, sôi động như vài năm trước.
Dãy phố bán điện thoại di động cũ trên đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh... (Q.5, TPHCM) vẫn còn san sát cửa hàng điện thoại di động. Nhưng vắng khách lắm rồi.
Chủ một cửa hàng cho biết: "Lượng khách mua điện thoại di động (ĐTDĐ) cũ bây giờ ít lắm. Thỉnh thoảng mới có người đến xem, mà cũng chỉ xem là chính, trả giá "trên trời dưới đất" rồi bỏ đi. Khác với trước đây, nhiều khi thâu không kịp hàng để bán, nay có ngày bán được vài chiếc, tiền lãi chỉ đủ tiền trả lương, trả tiền thuê mặt bằng".
" Nhưng còn mối ở tỉnh", chúng tôi ướm hỏi.
"Hôm nào may mắn thì xuất được dăm ba chiếc. Nhưng loại khách này bây giờ cũng yếu. Vì người tiêu dùng tỉnh cũng "lõi" lắm rồi!".
Về lợi nhuận, một chủ cửa hàng khác cho biết: Vì hàng cũ bây giờ ít người mua nên không dám thách cao, mỗi chiếc lãi được 200.000đ nếu gặp khách quê quê. Còn gặp người sành sỏi thì chỉ được 100.000đ. Hàng về tỉnh thì chúng tôi chấp nhận giảm 50.000đ/ chiếc so với giá bán lẻ.
Hàng cũ bán tại các cửa hàng điện thoại cũng đầy đủ các thương hiệu như Nokia, Sony Ericsson, Samsung, Motorola... và hầu hết đều là những model khá mới, đang là hàng nóng tại các siêu thị ĐTDĐ chính hãng như: Nokia 6610, Nokia 6030, Nokia 3230, hàng cấp thấp hơn thì có Samsung C100, Siemens A75... Nhưng mỗi hiệu chỉ có một chiếc của một model nào đó.
Giá của những máy đã qua sử dụng, thấp hơn giá máy mới chính hãng từ 40 - 60%. Nokia 3230 có giá chính hãng là 4,7 triệu, máy cũ giá chỉ 2,8 triệu; Siemens A75 thì 800.000đ, so giá hãng là 1,35 triệu đồng. Anh Tùng, một chủ cửa hàng trên đường Hùng Vương cho biết: "Vì buôn bán bằng tiền mặt nên không dám ôm hàng nhiều, sợ chôn vốn".
Hết hạn "bảo hành" là tịt
Phần lớn nguồn hàng điện thoại di động cũ bán ở các cửa hàng này là hàng hết "date" (hết hạn bảo hành của hãng), hàng ký gửi và mua của dân chôm chỉa. "Nguồn hàng mà các cửa hàng thích nhất là hàng của bọn móc túi, cướp giật vì giá cực kỳ rẻ nhưng khi mua cũng ngại lắm vì lỡ khổ chủ tìm được máy thì mệt mỏi với mấy ông công an", một chủ cửa hàng cho biết.
Theo giới kỹ thuật ĐTDĐ đánh giá, hàng ký gửi và hàng chôm chỉa thường có chất lượng còn khá tốt, nhiều cái còn hạn bảo hành.
Theo một quy ước chung, hàng cũ ở các cửa hàng đều có thời gian bảo hành là 1 tháng. Nhưng nhiều người đã từng mua và sử dụng ĐTDĐ cũ thì cứ hết hạn bảo hành của cửa hàng là máy cũng hết sử dụng được. Chỉ còn cách đem trở lại nơi bán để sửa chữa. Mỗi lần "khám bệnh", chi phí có khi bằng 1/3 giá mua.
Thanh Trung, một người chuyên lấy điện thoại cũ đem về tỉnh cho biết: "Lạ lắm, nhiều chiếc cứ hết "date" một thời gian ngắn là máy tịt luôn. Không lỗi về loa thì lỗi về phần mềm hay bàn phím, pin... Không biết các hãng có cố ý thiết kế như vậy không?.
Trước đây nhiều người biết chất lượng hàng cũ kém, nhiều rủi ro, nhưng cũng chấp nhận dùng vì họ chưa đủ tiền để mua máy mới có model mà họ thích...Và nay thì nhiều người đã hối hận .
Chúng tôi đã thấy có khách hàng cự với chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh : "Tôi không hiểu sao mà cứ hết thời hạn bảo hành thì máy cũng quăng luôn. Các ông làm ăn chán quá!". Trí, tên khách hàng nói trên, cho biết, vì không có tiền nhiều nên anh đành chọn mua máy cũ nhưng chiếc máy vừa mua mấy tháng đã không thể sử dụng được, coi như mất 1 triệu. Sau kinh nghiệm này, anh chấp nhận thêm vài trăm ngàn để mua máy mới cho chắc ăn.
Hàng cũ tuổi thọ không còn bao nhiêu lại nhiều tật, lắm bệnh. Cộng thêm đang bị cạnh tranh bởi các dòng máy mới giá rẻ được các hãng tung ra để bán cho giới bình dân đã khiến cho thị trường điện thoại cũ hết còn sôi động.